Bất động sản du lịch sẽ là tâm điểm M&A
Chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19, lĩnh vực bất động sản (BĐS) du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn. Thông tin rao bán BĐS với mức giảm giá lớn xuất hiện ngày càng nhiều. Theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn BĐS Sohovietnam, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực BĐS du lịch đang chờ bùng nổ khi mức giá đủ hấp dẫn.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Nhiều doanh nghiệp (DN) lựa chọn giải pháp bán bớt tài sản, bán cổ phiếu tạo dòng tiền để cầm cự. Ông đánh giá thế nào về hoạt động M&A hiện nay?
Ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới tăng lãi suất để chống lạm phát làm cho nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam. Đối với lĩnh vực BĐS còn bị ảnh hưởng bởi trái phiếu, thắt chặt cho vay trong lĩnh vực này dẫn đến khó khăn thị trường đầu ra, nhiều DN phải bán bớt tài sản để tồn tại. Nhu cầu bán nhiều nhưng hiện tại vẫn còn khoảng cách về giá giữa người mua và bán. Theo tôi, trong năm 2023, thị trường M&A BĐS sẽ diễn ra âm thầm với lợi thế thuộc về bên mua. Sẽ có nhiều thương vụ thành công hơn trong 1 - 3 năm tới.
Hiện nay, thương vụ đình đám đang được thị trường địa ốc bàn tán nhiều nhất là Tập đoàn CapitaLand (Singapore) đàm phán mua tài sản trị giá khoảng 1,5 tỷ USD từ Công ty CP Vinhomes. Cuối năm ngoái, Gamuda Land mua lại phần lớn cổ phần của Công ty Thương Tín Tân Thắng để sở hữu dự án khu phức hợp căn hộ cao tầng tại TP. Thủ Đức (TP.HCM).
Nhu cầu tìm kiếm đối tác M&A tập trung ở loại dự án nào, thưa ông?
Thời gian qua, tôi nhận được nhiều yêu cầu tư vấn của các nhà phát triển BĐS trong nước về lập kế hoạch thương vụ M&A và định giá giao dịch. Nhu cầu chuyển nhượng dự án, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư hiện rất nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực BĐS du lịch tại các thị trường như Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh với các sản phẩm như khách sạn, khu resort. Đối với các dự án BĐS nhà ở, nhu cầu bán ít hơn vì còn vướng mắc thủ tục pháp lý. Trong khi đó, người mua vẫn đang đàm phán, tìm mua tài sản nhưng mong muốn giá giảm thêm 15 - 20%, nên hiện vẫn có khoảng cách về giá giữa người mua và bán.
Tâm điểm M&A, theo ông, là các tài sản, dự án BĐS du lịch. Xin ông cho biết rõ hơn về nhận định này?
Trong giai đoạn 2015 - 2019, tăng trưởng của ngành du lịch liên tục duy trì ở mức 15 - 16% đã thu hút được lượng vốn rất lớn đổ vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, giai đoạn 2020 - 2021 hoạt động du lịch bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, sang năm 2022 - 2023 kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, lãi suất cao dẫn đến giá tài sản đi xuống... Nhìn chung, ngành du lịch đang trải qua khó khăn rất lớn và trong quá trình đi lên từ đáy sau khủng hoảng. Do vậy, một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng phải tái cấu trúc, trong đó có việc cơ cấu lại nợ vay, bán bớt tài sản, gọi thêm vốn mới. Các địa phương có tài sản bán nhiều là Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc, Vũng Tàu, Sa Pa...
Theo quan sát của ông, các nhà đầu tư đang tìm mua tài sản, BĐS của DN Việt Nam đến từ đâu?
Đối với nhà đầu tư trong nước, hiện chỉ có một số ít nhà phát triển BĐS có khả năng thu xếp được vốn để mua, bởi phần lớn các chủ đầu tư còn lượng hàng tồn kho lớn. Ngoài ra, có một số DN kinh doanh trong ngành khác, có tiềm lực tài chính mạnh cũng quan tâm mua dự án BĐS. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, theo quan sát của chúng tôi, chủ yếu đến từ Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia... Quy mô vốn cho mỗi thương vụ khoảng từ 20 - 50 triệu USD.