Không chỉ sở hữu hàng nghìn hang động lớn nhỏ và nguồn tài nguyên du lịch phong phú, Quảng Bình còn có hệ thống giao thông đồng bộ như sân bay Đồng Hới, Quốc lộ 1A, hai nhánh đường Hồ Chí Minh Đông - Tây, Quốc lộ 12A, đường sắt Bắc - Nam với ga Đồng Hới, cảng biển Hòn La, cao tốc Bắc Nam...
Miền đất kỳ quan Quảng Bình dần trở thành điểm đến được thế giới yêu thích, ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Nơi đây liên tục xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật, bộ phim Kong: Skull Island (2017), MV Alone, Pt. II của Alan Walker (2019), được New York Times bình chọn là điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh...
Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch Quảng Bình, năm 2022, tỉnh này đón 2,1 triệu lượt khách du lịch, gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế gấp 5,92 lần. Về dịch vụ lưu trú tăng gấp 5,13 lần so với cùng kỳ, đưa doanh thu từ dịch vụ lưu trú ước đạt gấp 5 lần.
Riêng 7 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch đạt hơn 2,7 triệu lượt. Dịp nghỉ lễ từ 1 đến 4/9 vừa qua, Quảng Bình đón 160.000 lượt khách du lịch, tăng 60% so với dịp lễ năm 2022, trong đó khách quốc tế tăng mạnh 87,5%, mang về nguồn thu từ du lịch đạt khoảng 176 tỷ đồng.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Bình chú trọng phát triển các dịch vụ hỗ trợ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Tỉnh đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm có tính động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện hệ thống giao thông ven biển nối liền các vùng của đô thị trung tâm, nâng cấp sân bay, xây dựng cầu Nhật Lệ III... Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Bình sẽ đón 8 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế.
Theo giới chuyên gia, dẫu du lịch tăng trưởng, song cơ sở hạ tầng và dịch vụ trải nghiệm nghỉ dưỡng của địa phương chưa tương xứng tiềm năng và tốc độ phát triển, đặc biệt nguồn cung lưu trú nói chung và phân khúc cao cấp đang thiếu hụt. Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ven biển đang dần trở thành lựa chọn ưu tiên trong danh mục của nhiều nhà đầu tư.
Ông Trần Phương Chương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Emerald - đơn vị chuyên phân phối độc quyền các dòng bất động sản hạng sang thuộc các thương hiệu Regal Group, Vinhomes, IMG... cho rằng, sự dịch chuyển của làn sóng đầu tư về thành phố giàu tiềm năng như Đồng Hới khiến cho thị trường địa ốc tại địa phương này ngày càng sôi động.
"Những dự án có vị trí giáp biển, thuận tiện kết nối về các đô thị trung tâm, có pháp lý minh bạch và được đầu tư đồng bộ bởi các chủ đầu tư uy tín, có năng lực được giới đầu tư săn đón, bất chấp khó khăn của thị trường", ông Phương nói.
UBND tỉnh Quảng Bình trao Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư 2023 cho 32 dự án và khu vực quan tâm với tổng vốn đăng ký 112.165 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD) tại hội nghị xúc tiến đầu tư tháng 6 vừa qua. Đây cũng là một trong những động lực thúc đẩy thị trường khu vực phát triển sôi động, đặc biệt là dòng bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp ven biển.
Như ở bán đảo Bảo Ninh, chỉ trong một thời gian ngắn, cùng chủ trương phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, và chính sách "trải thảm đỏ" thu hút đầu tư của tỉnh, sự xuất hiện của hàng loạt doanh nghiệp địa ốc như Regal Group, Vingroup, Osen, IMG, TNR... đã hình thành nên các tổ hợp nghỉ dưỡng, giải trí nghìn tỷ, biến vùng đất này thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn.
"Vùng đất hoang sơ ngày nào giờ trở thành đất vàng, khi mà chỉ ít năm nữa thôi, Bảo Ninh sẽ khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn khác, rực rỡ, sầm uất và náo nhiệt cả ngày lẫn đêm, đón hàng triệu lượt du khách toàn cầu đến du lịch, nghỉ dưỡng", đại diện Regal Group kỳ vọng.