'Rộng đường' cho các doanh nghiệp quan tâm đến bất động sản công nghiệp tại Bắc Giang
Bắc Giang hiện có 8 khu công nghiệp (KCN), là địa phương có nhiều lợi thế, hấp dẫn doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn đến đầu tư nên thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp của Bắc Giang đang rất sôi động, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Ảnh minh họa
|
Tại các khu công nghiệp, có đất sạch đến đâu là được các doanh nghiệp thuê hết đến đó. Ví như KCN Quang Châu mở rộng, hàng loạt DN, tập đoàn lớn đang làm nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất. Công ty TNHH Precision Technology Component Fulian đang xây dựng các công trình thuộc giai đoạn I dự án nhà máy công nghệ chính xác Fulian trên diện tích gần 50 ha. Đây là một trong những DN có quy mô sử dụng diện tích lớn nhất thời điểm này, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2024, đầu năm 2025, thu hút khoảng 50 nghìn lao động.
Tại KCN Việt Hàn (giai đoạn 1) có 50 ha cũng đã được cho thuê đất, như Công ty TNHH JA Solar Việt Nam vừa hoàn tất các hạng mục dự án sản xuất tấm silic giai đoạn 2. Trên diện tích hơn 20 ha, DN đầu tư 99 triệu USD sản xuất tấm tế bào quang điện. Nhà máy đang được vận hành thử, sớm đưa vào sản xuất chính thức trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tại KCN mới như Yên Lư (Yên Dũng), Tân Hưng (Lạng Giang), thu hút được rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tại KCN Tân Hưng đến nay đã giải phóng mặt bằng (GPMB) xong 100% diện tích (105,3 ha) và được UBND tỉnh cho thuê 103,97 ha đất với 15 nhà đầu tư thứ cấp. Chủ đầu tư đang triển khai lập hồ sơ xin chuyển mục đích và giao đất đợt 4 đối với phần diện tích 0,77 ha.
Điển hình, công ty TNHH đầu tư Yonz Technology (Việt Nam) của nhà đầu tư đến từ Singapore đang huy động nhân lực, phương tiện hoàn thiện phần thô xưởng sản xuất. DN này chuyên sản xuất gia công khung nhôm phục vụ cho ngành sản xuất, lắp ráp pin năng lượng mặt trời. Dự kiến, nhà máy đưa vào vận hành vào quý I/2024, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang cho biết, đất sạch trong các KCN không còn nhiều, hầu như đã được các DN đăng ký. Bắc Giang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn mà nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn nên nhu cầu về BĐS công nghiệp Bắc Giang trong thời gian tới tiếp tục tăng cao.
Được biết, tính đến hết quý III năm nay, toàn tỉnh thu hút hơn 2,14 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Riêng thu hút vốn FDI, Bắc Giang xếp thứ 4 cả nước, sau các TP: Hà Nội, Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Tỉnh đã quy hoạch đến năm 2030 có 29 KCN và 63 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 10.000 ha.
Hiện nay, để tăng nguồn cung BĐS công nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo sát sao công tác bồi thường, GPMB các KCN đã được phê duyệt để nhanh chóng đầu tư hạ tầng. Theo đó, yêu cầu quyết liệt tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ GPMB diện tích còn lại của các KCN: Vân Trung, Quang Châu, Hòa Phú, Song Khê - Nội Hoàng (phía Nam) và các KCN mới: Yên Lư, KCN Hòa Phú mở rộng; chỉ đạo hoàn thiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN theo kế hoạch.
Tại KCN Hòa Phú mở rộng (85 ha) hiện đã hoàn thành các thủ tục hành chính về quy hoạch, đầu tư, môi trường, góp ý về giải pháp phòng cháy, chữa cháy. Chủ đầu tư đang lập hồ sơ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 theo ý kiến của Bộ Xây dựng; phối hợp với địa phương thực hiện các bước GPMB KCN.
Thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm vận động, thu hút đầu tư; hướng dẫn, cung cấp thông tin hỗ trợ đầu tư và trả lời các kiến nghị, phản ánh của DN theo đúng quy định; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, tiến độ đầu tư đối với các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong các KCN theo quy hoạch tỉnh.
Được biết, toàn tỉnh đã lập 22 đồ án quy hoạch xây dựng các KCN mới. 11/22 đồ án được phê duyệt quy hoạch xây dựng, trong số này 8 KCN có nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN gồm: Phúc Sơn (Tân Yên); Đồng Phúc, Đức Giang (Yên Dũng); Xuân Cẩm-Hương Lâm, Châu Minh-Bắc Lý (Hiệp Hoà); Yên Sơn-Bắc Lũng (Lục Nam); Quang Châu 2 (Việt Yên); KCN Hòa Phú mở rộng.
Dự kiến, trong năm 2024, 11 đồ án quy hoạch xây dựng KCN còn lại sẽ được phê duyệt, phấn đấu năm 2025 Bắc Giang có 16 KCN mới. Các ngành chức năng và các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ sáp nhập Cụm công nghiệp Tăng Tiến vào KCN Vân Trung; sáp nhập Cụm công nghiệp Tân Hưng vào KCN Tân Hưng để thêm quỹ đất, thu hút nhà đầu tư thứ cấp.